Nhìn lại diễn trình hội chơi bài chòi Bình Định
Nguyễn Văn Ngọc
Trước đây, cứ mỗi dịp xuân về, tết đến, tại nhiều miền quê Bình Định, hội bài chòi lại được tổ chức trong không khí vui tươi, rộn rã. Người dân đánh bài chòi vào dịp đầu xuân vừa là để cùng gia đình, làng xóm vui chơi, giải trí vừa là để cầu may, cầu lộc đầu năm. Thời gian diễn ra hội bài chòi ngắn dài khác nhau, có khi trong ba ngày tết, nhưng cũng có thể kéo dài đến rằm tháng giêng và đến tận tháng hai âm lịch.
Rủ nhau đi đánh bài chòi
Để con nó khóc cho lòi rốn ra
Câu ca xưa phần nào cho thấy sức lôi cuốn của hội bài chòi đối với người dân trong vùng. Bài chòi được hiểu một cách đơn giản nhất là một kiểu đánh bài ngồi trên chòi mà đánh, nhưng nó không chỉ dừng lại ở một trò chơi bài ở trong một không gian mở mà nó gắn liền với nghệ thuật diễn xướng hô bài chòi với các nghệ nhân chính trong vai trò anh Hiệu, những người quản trò dẫn dắt cuộc chơi.
Cách chơi phổ biến ở Bình Định là chơi chín chòi tương đương với chín chân bài. Muốn giữ một chân bài trước khi lên chòi phải bỏ tiền mua một thẻ bài cái. Cũng có thể người tham dự cuộc chơi bước lên chòi trước, khi bắt đầu cuộc chơi anh Hiệu, chị Hiệu mang ống bài cái leo lên từng chòi rút bài, người chơi trả tiền cho vào một cái khay.
Khi người điều khiển hội làm xong thủ tục khai hội, các Hiệu tề tựu đông đủ, Hiệu chính đến trước bàn hội đồng trịnh trọng thưa: “Hiệu phát bài đã đủ, cho Hiệu thủ bài tỳ” (thủ ống thẻ). Người chủ trì điểm một tiếng trống chầu ra lệnh, dàn nhạc nổi lên, Hiệu chính hai tay bê ống thẻ đựng 27 con bài con tại bàn hội đồng, đi vòng quanh sân hội. Các Hiệu phụ đi hai bên gõ sanh sứa đệm để Hiệu chính hô giới thiệu 27 con bài theo điệu bài chòi nhịp một (một hình thức kiểm tra 27 con bài trước khi bắt đầu cuộc chơi).
Sau đó Hiệu hô một lớp bài chòi chúc tết. Tùy theo năm đó là năm gì và hội bài chòi được tổ chức ở làng nào, làng đó có đặc điểm gì thì Hiệu sáng tạo, ứng diễn những câu bài chòi cho phù hợp.
Sau khi giới thiệu các con bài và chúc tết mọi người, các Hiệu lần lượt đến ống thẻ rút từng con bài, rút ra thẻ có tên con bài gì thì Hiệu “hô” câu bài chòi có những từ liên quan đến con bài đó.
Nếu Hiệu rút ra con bài Nhứt Trò, Hiệu giơ cao thẻ bài cho các chòi thấy, vừa làm điệu bộ vừa hô:
Đi đâu mang sách đi hoài
Cử nhân không đậu, tú tài cũng không
Không ngon cũng bánh ít lá gai
Dù anh có dại cũng trai học trò….quơ là con Nhứt Trò nè.
Cũng là con bài Nhứt Trò, nhưng anh Hiệu thấy người gõ mõ trên chòi là cô gái đeo xuyến, kiềng vàng, ăn mặc hoa hòe đoán chắc là cô gái bán hàng xén, anh Hiệu hô câu bài có nội dung vừa khen vừa chúc tết:
Minh niên xin chúc cô năm nay mua may bán đắt
Hàng cô đủ mặt không thiếu thứ chi
Nút cẩn, nút xịn, bút chì, bình điếu
Vật gì không thiếu bình điếu, bình trà
Dầu chanh, dầu hoa, dầu cô ba cũng có
Phúc Thần dầu gió, dầu Nhị Thiên Đường
Bán hộp, bán gương, bóp da, quẹt máy
Đủ các loại giấy, ngũ sắc hồng đơn
Nhưng vẫn quý hơn là dùng giấy quyến
Hàng cô, khách đến thì chẳng muốn đi
Như gái dậy thì muốn đeo đôi xuyến
Xin chúc gia quyến năm mới khang trang
Xin chúc gánh hàng mỗi ngày mỗi nặng
Chúc cô lấy đặng một anh học trò.
quơ là con Nhứt Trò.
Nếu anh Hiệu rút thẻ bài có tên Nhì Nghèo thì Hiệu hô:
Chắp tay với chẳng tới kèo
Cha mẹ anh nghèo chẳng cưới được em.
Hô là con Nhì Nghèo này…
Khi gặp thẻ bài có những câu ngộ ngĩnh, Hiệu vừa hô vừa ra điệu bộ để góp vui, ví như con ba bụng
Hiệu hô câu:
Gió sao gió mát sau lưng
Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này
Hô là con Ba Bụng này.
Chòi nào có con Nhứt Trò, Nhì Nghèo, Ba Bụng thì gõ ba tiếng mõ, nếu là chòi trung tâm thì đánh ba tiếng trống cán lập tức Hiệu chạy đem thẻ có tên con bài trao cho chòi có người trúng. Cứ như vậy cho đến khi có một chòi nào đó trúng đủ ba con bài thì gõ một hồi mõ, nếu là chòi trung tâm thì đánh một hồi trống cán, Hiệu chạy lập tức đến chòi có bài tới nhận một con bài cái và ba con bài con ra giữa sân hội hô to cho mọi người cùng nghe, ví dụ:
Chòi số một trúng một con Nhứt Trò nè, một con Năm Dụm này, tới con Cửu Chùa nè.
Anh Hiệu dứt lời trống chầu thúc giục, dàn nhạc nổi vang, không khí hội tưng bừng náo nhiệt. Các Hiệu chạy đi thu tất cả những con bài con ở các chòi cho vào ống thẻ chuẩn bị đánh ván tiếp theo. Hiệu hô đến trước bàn hội đồng bưng khay, trong đó đã chuẩn bị sẵn tiền thướng (thưởng) đựng trong hộp thau (hoặc cái đĩa Tàu), một ly rượu, một cây cờ thưởng nhỏ màu đỏ hình tam giác cắm trên một khúc thân chuối. Hiệu nói lối theo điệu Nam Xuân của hát bội (nghệ thuật tuồng Bình Định); âm nhạc trỗi Nam Xuân, trống chầu điểm:
Vâng lịnh làng lãnh lấy khay tiền
Hiệu khẩn cấp dâng cờ đệ nhất a…
(nếu là ván thứ nhất).
Hiệu vừa đi vừa hát Nam Xuân: Khẩn cấp dâng cờ đệ nhất.
Nói lối trong nền nhạc: Minh niên năm nay Hiệu tôi xin chúc gia quyến cô, bác, anh chị, dồi dào sức khỏe, đắc tài, đắc lộc, vạn sự như ý…
Người chơi trên chòi trúng thưởng nhận một ly rượu (hoặc một chén nước trà, nếu là phụ nữ), trẻ em chỉ thưởng tiền và cờ; người trúng thưởng nhận cây cờ thưởng cắm vào ống thẻ trên chòi và nhận tiền thưởng. Theo tục lệ, người nhận tiền thưởng trích một ít tiền lẻ thưởng lại cho Hiệu gọi là “lì xì” năm mới, tiền này Hiệu được thưởng riêng.
Xong việc phát thưởng mỗi ván, Hiệu hô trình diễn một lớp bài chòi kể chuyện hoặc hô một câu bài chòi, nội dung liên quan đến chúc tết, hoặc có nội dung vui vẻ để phục vụ hội đồng và những người dự hội. Trình tự cứ diễn ra như vậy cho đến ván cuối cùng của một hội. Kết thúc hội, trống chầu đổ một hồi dài, mõ, trống các chòi cùng nhịp hồi theo trống chầu, người xem vỗ tay hô vang, chúc mừng các chòi trúng thưởng, đón xem hội chơi tiếp theo.
Trong khi các Hiệu chạy thu thẻ, bán thẻ bài cho hội chơi tiếp theo thì ở sân hội các Hiệu hô diễn những trích đoạn bài chòi cổ gồm hai hoặc ba nhân vật. Một ván bài có khi kéo hàng giờ, và ít khi một chòi ăn liên tiếp hai, ba con, trước khi hô tên con bài Hiệu phải theo tiếng đàn, nhịp trống, hô một câu ý nghĩa ăn với một con bài rút được, câu ngắn nhất 14 chữ, nhiều khi còn kéo dài hàng trăm chữ, vừa hô vừa điệu bộ như hát bội. Thỉnh thoảng xen đôi câu hát nam, hát khách... cho thêm vui.
Cứ thế các Hiệu tiếp tục hành nghề và bộ sậu làm ăn đó đã phải kéo theo trống chiến, đàn nhị, mõ tre phối hợp bằng lối nhịp ba phách theo vần lục bát vừa sôi nổi qua nhịp nhanh, vừa thiết tha trong nhịp chậm, dễ đi vào tâm hồn người lao động nông thôn để chuyển qua một giai đoạn mới của bài chòi mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là thế hệ bài chòi trải chiếu.
Đến thế kỷ XX, người ta sáng tạo ra nhiều điệu hò để nâng cao nghệ thuật của bộ môn này. Những anh Hiệu, chị Hiệu trong thời kỳ này phần đông là những đào kép hát bội, cho nên những lớp diễn có trống chầu đệm, có dàn nhạc cổ phục vụ, rất hấp dẫn người chơi và người xem hội. Đến khoảng những năm thập kỷ 30 của thế kỷ XX, vì nhu cầu của công chúng, khi kết thúc hội bài chòi xuân, các Hiệu và nhóm nhạc thường tập hợp tổ chức đi diễn khắp nơi ở các vùng làng quê trong tỉnh. Từ 1930 đến 1945, nhu cầu thưởng thức của quần chúng nhân dân trong hội đánh bài chòi ngày càng cao, các Hiệu, kể cả những người ham thích hội đánh bài chòi, bên cạnh những câu hô đơn giản lấy trong ca dao tục ngữ, hò vè, họ còn đua nhau sáng tác cho các câu hát cho hội đánh bài chòi thêm phần phong phú và phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người dân. Từ sự phát triển nội dung dẫn đến sự phát triển của hình thức trong hoạt động hội đánh bài chòi, thu hút được nhiều người xem… Xuất phát từ nhu cầu đó, nhiều “gánh” nhỏ được thành lập đi về các vùng thôn quê biểu diễn phục vụ quanh năm làm kế sinh nhai. Lực lượng các anh Hiệu, chị Hiệu cũng nảy sinh ngày càng nhiều và hội đánh bài chòi cũng được tổ chức thường xuyên, phổ biến hơn thông qua các “Hiệu làng” (phục vụ hội của làng) và “Hiệu xã” là Hiệu đã chuyên nghiệp, hô hay diễn giỏi, được mời đi khắp các vùng trong tỉnh, ngoài làm Hiệu trong hội bài chòi, khi hết hội, họ tập hợp từng nhóm nhỏ đi diễn bài chòi trải chiếu, khi có làng, địa phương nào mời. Trong thời kỳ này, ba loại hình bài chòi đều thịnh hành và không cạnh tranh lấn áp nhau. Bài chòi truyện có phông màn, có rạp che chắn, lưu diễn ở các thị tứ. Bài chòi lớp tìm đất sống trên sân khấu chiếu khắp các làng mạc miền quê. Bài chòi dân gian truyền thống (hội đánh bài chòi) vẫn nở rộ mỗi dịp xuân về tết đến.
Sau Cách mạng tháng Tám, bài chòi ít nhiều được gắn với nghệ thuật tuồng (hát bội) bị coi là tàn dư của chế độ phong kiến, do vậy bài chòi bắt đầu chững lại. Mãi đến đầu những năm 50 của thế kỷ XX, bài chòi mới được hồi phục. Vào những năm sau 1965 do cuộc kháng chiến chống Mỹ rất ác liệt nên hội đánh bài chòi xuân không còn được tổ chức thường xuyên. Ngược lại, bài chòi sân khấu phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu tuyên truyền cách mạng, phục vụ kháng chiến.
Từ năm 1975 tới nay, nghệ thuật bài chòi vẫn được duy trì. Ở các tỉnh Nam Trung bộ, nhất là Bình Ðịnh ngày nay còn lưu lại rất nhiều nếp sinh hoạt làng xã, trong tục ngữ ca dao về loại hình di sản này. Tuy vậy, hội đánh bài chòi xuân mãi đến năm 2000 mới được NSƯT. Phan Ngạn (1931-2008) phục hồi. NSƯT. Phan Ngạn có công đầu trong việc khôi phục lại bộ bài chòi, hội chơi, tìm lại được các nghệ nhân Hiệu hạt nhân để tổ chức được một hội bài chòi truyền thống nhưng phải đến năm 2010, với sự tiếp sức của dự án Bảo tồn hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định cùng với hiệu quả từ các kỳ liên hoan dân ca bài chòi trên địa bàn tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định chủ trì thực hiện, hội đánh bài chòi mới thực sự sống lại và nhân rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như tại Chợ Gò ở huyện Tuy Phước, tại Mỹ Thọ ở huyện Phù Mỹ, tại Cát Tường, Cát Hanh huyện Phù Cát, tại Nhơn Hưng, Nhơn Thành thuộc thị xã An Nhơn, tại Nhơn lý, Nhơn Hải thành phố Quy Nhơn. Hội bài chòi không chỉ còn được tổ chức vào dịp đầu xuân để phục vụ người dân Bình Định mà còn là một đặc sản không thể thiếu được trong kho tàng văn hóa dân gian Bình Định để giới thiệu với du khách gần xa như tại danh thắng Gành Ráng của thành phố Quy Nhơn, vào dịp lễ hội Đô thị Nước Mặn hay Festival Lâm sản, Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tổ chức tại Bình Định./.
Phụ lục
Thò tay rút thẻ, trúng gã Ông Ầm
Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
Hay đùm hay túm, Tứ Xách đã quen
Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi
Khen ai khéo gói, Bánh Hai ngọt ngon
Mặt đỏ như son, Cửu Điều sặc sỡ
Một chồng hai vợ, Ba Bụng úp vô
Mập mái hại cồ, Chín Cu bay tới
Hai tay chới với, Nhứt Nọc chết rồi
Lấy trã úp nồi, Thất Vung tròn lắm
Hay ôm hay ẵm, là chị Bát Bồng
Xứng vợ xứng chồng, là anh Lục Chạng
Ai làm bát rạn, Tám Miểng bể ra
Ai hút ve trà, Nhứt Trò rắn ráo
Hạt tấm hạt gạo, là chị Bảy Thưa
Dãi nắng dầm mưa, là cô Bảy Liễu
Muốn tròn chữ hiếu, đi tu Cửu Chùa.